Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó đề ra chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể); khẳng định đây là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn, khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tổ chức trung gian cồng kềnh; tiết kiệm ngân sách, tạo điều kiện để quy hoạch, phân bố nguồn lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đến nay không chỉ nhận được sự đồng thuận từ giới chuyên gia, nhà khoa học, chủ trương tinh gọn bộ máy cũng được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc công chức cấp xã sẽ “đi về đâu” khi không còn cấp huyện. Một số tài khoản cá nhân trên nền tảng mạng xã hội Facebook đăng tải bài viết sau đó chia sẻ lên các hội, nhóm dưới dạng đặt vấn đề như: “Chính thức đưa cán bộ cấp huyện về làm xã, thẳng tay loại người yếu kém, vậy công chức xã đi đâu về đâu”, “TIN BUỒN Sau khi bỏ cấp huyện đưa cán bộ huyện về xã làm việc, công chức cấp xã đi đâu về đâu?”, “Sáp nhập tỉnh, xã bỏ huyện: Hàng ngàn cán bộ dôi dư đi đâu về đâu? Mất việc biết lấy gì để nuôi gia đình đây?”… Việc giật tít đăng tải các nội dung mang tính, phiến diện, một chiều gây nên những hoang mang, thậm chí lo lắng của một bộ phận quần chúng nhân dân trên không gian mạng; các tài khoản tham gia bình luận với nhiều quan điểm trái chiều, tạo dư luận thiếu tích cực về chủ trương của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, công chức cấp xã.

Tại mục 3, Điểm 5.2, Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Đảng ta đã xác định rõ về biên chế cấp xã: “Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cán bộ công chức cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định” và trước mắt thực hiện việc “Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định”.
Trên tinh thần thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp phải bảo đảm “thận trọng, kỹ lưỡng, chất lượng”, bên cạnh đó vẫn đảm bảo thực hiện chế độ chính sách đối với những cán bộ không bố trí công tác theo quy định và làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với những trường hợp bị tác động.
Thiết nghĩ, sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp, bố trí và tuyển chọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lãnh đạo, quản lý ở đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã mới sau khi sắp xếp cũng là dịp để đánh giá toàn diện, từ đó chọn lọc những cán bộ có năng lực ngang tầm nhiệm vụ để cùng đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Thời gian đầu sau sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính còn vô vàn khó khăn, phức tạp phải giải quyết ở phía trước, tuy nhiên trước vận mệnh mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, rất hy vọng mỗi chúng ta phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, đồng lòng, cùng chung tay xây dựng đất nước vững mạnh, vươn mình mạnh mẽ để “sánh vai với các cường quốc” trên Thế giới./.
CAT