Thời gian gần đây, nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội có phát ngôn dưới nhiều dạng như bài viết, bài nói hoặc livestream… để thể hiện những ý kiến, quan điểm trái chiều nhưng đã đi quá giới hạn cho phép, xúc phạm đến quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tập thể.
Trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng ngày 29/08/2024 lực lượng chức năng phát hiện M.A.S sinh năm 1996, HKTT ở bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã sử dụng tài khoản mạng xã hội do M.A.S đang quản lý sử dụng đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Tà Xùa.

Hành vi của M.A.S đã xâm phạm vào các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Sau khi đăng tải bài viết với nội dung sai sự thật, trang cá nhân của M.A.S đã nhận được một số bình luận; trong đó có những bình, nhận xét về việc M.A.S đang tải thông tin như trên là không đúng, sai sự thật, có thể vi phạm pháp luật; tuy nhiên cũng có những bình luận thuận chiều, theo nội dung bài viết của M.A.S cho rằng nội dung đăng tải trên là thể hiện ý kiến cá nhân. Tuy nhiên tất cả những bình luận thuận chiều, theo nội dung bài viết của M.A.S đều là không đúng.
Sau khi phát hiện hành vi sử dụng trang các nhân của M.A.S đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng, ngày 11/9/2024 Công an huyện Bắc Yên đã làm việc, M.A.S đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 31307/QĐ-XPHC, xử lý bằng hình thức phạt tiền với số tiền là 5.000.000đ (năm triệu đồng). M.A.S đã nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Yên. M.A.S cam kết chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, không tái phạm.
Qua vụ việc trên cho thấy, nhận thức về mạng xã hội của cá nhân hay tổ chức còn chưa đầy đủ dẫn đến việc vô tình hoặc cố ý cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thậm chí có nhiều thông tin mang tính chất vu khống, xúc phạm. Tất cả mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tự do ngôn luận là quyền con người cơ bản, nhưng luôn phải có giới hạn trong khuân khổ của pháp luật. Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật”.
Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ thể hiện quyền tự do ngôn luận của đông đảo người dân, điều này đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và pháp lý, trong đó có việc quản lý thông tin trên không gian mạng hiện nay.
Tự do ngôn luận là một trong những quyền lợi chính đáng của con người, được luật quốc tế công nhận. Theo Điều 8 Luật An ninh mạng, những hành vi sau bị nghiêm cấm: đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, tại điểm d Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, không được sử dụng không gian mạng để đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó tại khoản a điều này quy định: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ chịu mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Theo đó người nào có hành vi vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt theo quy định của pháp luật.
Những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… đều bị pháp luật xử lý. Do vậy, mọi người cần phải nhận thức rõ đâu là giới hạn của tự do ngôn luận để có hành xử đúng mực.
CAHBY