Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới, được xác định là địa bàn chiến lược của vùng Tây Bắc, với diện tích tự nhiên là 14.174 Km2 rộng đứng thứ ba cả nước, có 274km đường biên giới tiếp giáp với 02 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng – nước CHDCND Lào; đơn vị hành chính gồm 11 huyện, 01 thành phố, 204 xã, phường, thị trấn, 3.297 bản, tiểu khu, tổ dân phố; dân số trên 1,2 triệu người, với 12 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, đời sống tín ngưỡng đa dạng, nhưng chủ yếu là tín ngưỡng truyền thống như thờ tổ tiên, thờ các vị thần tự nhiên.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước và tỉnh Sơn La đã quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh Sơn La từng bước được cải thiện đáng kể. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Hệ thống chính trị, nhất là các cấp cơ sở, được xây dựng, củng cố. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa xã hội tiếp tục được tăng cường. Chính sách đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tiếp tục được cải thiện. Chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác sắp xếp, ổn định dân cư các xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng tái định cư các công trình thủy điện đạt kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ. Tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính theo hướng chuyên nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và hội nhập. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động. Quan hệ hợp tác với các tỉnh Bắc Lào, các tổ chức quốc tế được củng cố, an ninh trật tự được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững góp phần quan trọng vào ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước khi áp dụng vào đời sống vẫn còn những bất cập, hạn chế, một số hệ thống chính sách còn dàn trải; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới vẫn còn cao. Một số hủ tục của đồng bào chậm được xóa bỏ. Kinh tế của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một số vấn đề bức xúc xã hội như di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, tranh chấp đất đai, khiếu kiện còn xảy ra ở một số nơi. Các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; một bộ phận đồng bào dân tộc Mông còn bị tác động, ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”.
Một là: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm xâm phạm an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La:
Lợi dụng những khó khăn trong đời sống, sự hạn chế trong nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS, các thế lực thù địch, phản động đã tổ chức tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ đồng bào tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tham gia các tà đạo, đạo lạ như: “Bà Cô Dợ”, “Đức chúa trời mẹ”, “Ân điển cứu rỗi”…; ra sức kích động tư tưởng dân tộc “hẹp hòi”, “ly khai”, “tự trị”, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự đoàn kết thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gây nên những bất ổn về mặt an ninh chính trị tại các vùng đồng bào DTTS. Nổi lên là:
Hoạt động tác động từ bên ngoài lãnh thổ vào trong nước và địa bàn tỉnh Sơn La: Các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong không từ bỏ mục tiêu, ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam và Lào. Chúng đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, móc nối người Mông ở Sơn La sang Lào để thành lập “Vương quốc Mông”. Trong thời gian qua, số đối tượng người Mông trong tổ chức “Hoob teb chaws” (Nhà nước Mông) do đối tượng Kênh Thờ Sênh ở Mỹ cầm đầu tiếp tục triệt để lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán của dân tộc Mông, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đài phát thanh bằng tiếng Mông ở Mỹ, Philippin, Thái Lan để tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị…và thời gian gần đây, chúng thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội (Youtube, Facebook, Zalo…) để đăng tải, phát tán các video, clip có nội dung tuyên truyền về hoạt động lập “Nhà nước Mông”, kêu gọi người Mông trên thế giới, người Mông Việt Nam, trong đó có người Mông tỉnh Sơn La tham gia vào tổ chức “Nhà nước Mông” của chúng, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn đối tượng tham gia may cờ và quần áo của “Nhà nước Mông”; kêu gọi tổ chức quyên góp tiền nộp cho tổ chức; hướng dẫn cắm lá xanh, dựng bàn thờ để theo “Vua Mông”.
Hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm xâm phạm an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La: (1) Năm 2003, do bị tác động, ảnh hưởng luận điệu tuyên truyền của một số đối tượng phản động trong người Mông ở Lào do tên May Hờ cầm đầu, một số người dân tộc Mông, chủ yếu là thanh niên của huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, do nhẹ dạ, cả tin, ngộ nhận nghe theo kẻ xấu đã xuất cảnh trái phép sang Lào để xem “Vua Mông”, tham gia hoạt động phỉ, lập “Nhà nước Mông”; (2) Năm 2015, tại một số xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, Phù Yên của tỉnh Sơn La xuất hiện các luận điệu tuyên truyền về “Nhà nước Mông” với các hình thức rỉ tai, truyền miệng; một số người dân tộc Mông trên địa bàn đã truyền tải cho nhau xem các đoạn video, clip có nội dung tuyên truyền như: “Vua Mông” sắp về Lào để thành lập “Nhà nước Mông”; sắp có chiến tranh xảy ra, đồng thời dụ dỗ, kích động người Mông đi sang Lào lập “Nhà nước Mông”. Do bị tác động, ảnh hưởng nên đã có một số người dân tộc Mông ở địa bàn huyện Phù Yên, Bắc Yên xuất cảnh trái phép sang Lào tham gia hoạt động phỉ, thành lập “Nhà nước Mông”; (3) Năm 2017, tại một số địa bàn trong tỉnh chủ yếu là địa bàn huyện biên giới Sông Mã và Sốp Cộp, xuất hiện một bộ phận người dân tộc Mông (chủ yếu là thanh niên) truy cập vào các trang mạng xã hội (Youtube, Facebook) để tìm hiểu về người Mông trên thế giới, trong đó có trang mạng tuyên truyền về “Nhà nước Mông” của các đối tượng ở Mỹ; do thường xuyên vào các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền về “Nhà nước Mông” ở Mỹ nên một số bộ phận quần chúng đồng bào dân tộc Mông đã bị tác động, ảnh hưởng và ảo tưởng về “Vua Mông”, “Nhà nước Mông” và có một số đối tượng trên địa bàn đã liên lạc, trao đổi và nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn của đối tượng bên ngoài.
Hai là: Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia:
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối nhất quán của Đảng ta luôn khẳng định đó là: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, do đó Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ có mưu đồ lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động tư tưởng kỳ thị, chia rẽ đoàn kết dân tộc hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc để gây bất ổn về chính trị – xã hội, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giải quyết vấn đề dân tộc nói chung, quyền của đồng bào DTTS nói riêng là thước đo của sự phát triển xã hội, coi đó là một nội dung quan trọng, luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thực tiễn sự phát triển về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội trong những năm qua ở vùng đồng bào DTTS địa bàn tỉnh Sơn La là minh chứng sinh động cho quan điểm nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm đối với vấn đề dân tộc, đó là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn”, “luôn có vị trí chiến lược”, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển” và đề ra chủ trương “huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.
Do đó, mỗi công dân cần nhận thức rõ: Chúng ta sinh ra và lớn lên tại đất nước Việt Nam, là công dân của đất nước Việt Nam; vì vậy phải có trách nhiệm đoàn kết cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc bảo vệ quê hương, đất nước, lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đó là: tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý thức cảnh giác, thận trọng và tiếp nhận có chọn lọc đối với các thông tin trên mạng xã hội, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, xúi dục, lôi kéo của kẻ xấu. Khi phát hiện đối tượng tại địa bàn hoặc đối tượng lạ mặt đến địa bàn có dấu hiệu, biểu hiện nghi vấn như tuyên truyền, tác động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, xâm phạm ANQG phải kịp thời trình báo với chính quyền, lực lượng Công an để có biện pháp ngăn chặn, giải quyết.
Đinh Tiệp