Tháng 4 về, cả nước cùng ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, tri ân tưởng nhớ tới những người con ưu tú đã chiến đấu dũng cảm vì hòa bình, tự do của Tổ quốc; Để nhắc nhở thế hệ đi sau nhận thức sâu sắc hơn giá trị, bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của lịch sử dân tộc và tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; biến những thành tựu vẻ vang sau đại thắng mùa xuân 30/4/1975 thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.

Ôn lại truyền thống đó không chỉ nhắc nhở mỗi chúng ta về bài học lịch sử ngàn năm nước Việt, mà còn để thế hệ Việt Nam hôm nay hiểu rõ những bài học xương máu, những trang sử oai hùng của cha ông ta trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Để mỗi chúng ta hiểu bảo vệ từng vùng đất, từng vùng trời, vùng biển, từng ngọn cỏ cho đến hạt cát bé nhỏ nhất trên lãnh thổ quê hương thiêng liêng đến thế nào!

Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những luận điệu xuyên tạc, đầy kích động của một số đối tượng như: “Có cần thiết để mãi nhớ ngày 30/4/1975”; “Ngày 30/4/1975 kết thúc của chiến tranh và khởi đầu của một hình thức áp chế mới”; “Lễ tưởng niệm ngày 30/4 cho dù có một nửa triệu người ít vui hơn những sẽ không có nửa triệu người buồn”… thu hút đến hàng trăm, hàng ngàn lượt bình luận, theo dõi, chia sẻ…

Một điều chắc chắn phải khẳng định rằng: Không đánh tráo khái niệm, không tung hỏa mù, giặc là giặc, bán nước là bán nước, cướp nước là cướp nước. Không thể đánh đồng ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ và bè lũ tay sai với thiệt hại sau chiến tranh của các bên. Tưởng niệm, vinh danh đồng bào, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc chứ không ai tưởng niệm những người đã cấu kết, làm tay sai cho kẻ thù? Nếu không có đại thắng ngày 30/4 lịch sử, kết thúc chiến tranh thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều người chết vì chiến tranh, có thể rất nhiều người không được sinh ra, và có thể những người được sinh ra không còn sống đến ngày hôm nay. Vậy nên vui hay nên buồn? Thống nhất đất nước là khát vọng của cả dân tộc, những người con của Tổ quốc sẵn sàng hy sinh để dành lại tự do cho đất nước.  

Lịch sử đã ghi lại giai đoạn 7/1954 – 4/1975, Mỹ đã sử dụng mọi chiến lược, kế hoạch, từ mang tên các vị tổng thống Mỹ đương nhiệm, đến mang tên các tướng Mỹ sừng sỏ: “Chiến lược Aixenhao”, “Jônxơn”, “Nichxơn” đến “Kế hoạch Taylo”, “Mắc Namara”, “Oétmolen”, “Abơraham”… hoặc với tên gọi chiến lược mang mục tiêu, nội dung cụ thể phải thực hiện như: “Bình định, xúc dân tập trung, cô lập Việt Cộng”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Phi Mỹ hóa chiến tranh”… đi đôi với các chiến lược đó là hàng loạt thủ thuật, chiến thuật: “Ấp chiến lược”, “Pháo đài chống Cộng”, “Thiết xa vận”, “Không vận – kỵ binh bay”, “Hàng rào điện tử”, “Chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân” nhằm “cắt nguồn chi viện, cô lập miền Nam, để Mỹ dễ dàng “bóp chết” lực lượng đang chiến đấu trên địa bàn miền Nam… Mỹ “dùng người Việt đánh người Việt”, thông qua chính sách tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59, biến miền Nam thành nhà tù, trại giam, trại tập trung, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Chúng dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược. Mỹ, Diệm đã lê máy chém bao nhiêu người miền Nam dùng bao cách hành hình man rợ nhất để tra tấn người Việt Nam.

Những con số về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam khiến ta đau lòng: Nước Mỹ đã chi tổng cộng 600 tỷ đô la cho chiến tranh Việt Nam, chiếm 12% GDP quốc gia, huy động 70% lực lượng lục quân, 60% thủy quân lục chiến, 60% không quân và 40% hải quân; 22.000 xí nghiệp phục vụ chiến tranh. Số bom Mỹ dội xuống 2 miền Nam – Bắc Việt Nam là 7,8 triệu tấn. Lớn hơn lượng bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào trước đó. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, bình quân 01 người dân phải chịu 45,5kg bom đạn, mỗi km2 chịu 6 tấn bom đạn. Tỷ lệ này lớn hơn nhiều so với những nước bị thiệt hại nặng nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam là một trong 11 cuộc chiến tranh lớn trên thế giới thời hiện đại và là cuộc chiến tranh quy mô nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ. Về mặt thời gian, cuộc chiến này kéo dài nhất với hơn 20 năm so với 01 năm 07 tháng của chiến tranh thế giới thứ nhất, 3 năm 8 tháng của chiến tranh thế giới thứ 2, 3 năm 1 tháng của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến này huy động sức mạnh trí tuệ và sức người, sức của cao nhất của nước Mỹ. 5 đời tổng thống từ Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon rồi Ford nối chân nhau điều hành 4 cuộc chiến tranh ở chiến trường Việt Nam. Từ chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ rồi Việt Nam hóa chiến tranh. Giá của cuộc chiến ấy là sinh mạng của gần 60.000 người Mỹ, hơn 11.000 quân nhân trong số này chưa tới 20 tuổi, gần 1.500 trường hợp chưa tìm được hài cốt. Khoảng 14,7% binh lính Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam mắc chứng rối loạn tinh thần, 2,2% trong số đó vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Trong chiến tranh Việt Nam 3.181 ngôi làng đã bị phun chất diệt cỏ, chất độc hóa học dioxin, khoảng 2,1 – 4,8 triệu người có mặt vào lúc phun. Con cháu những người này có khả năng chịu di chứng của chất độc tác động vào mã di truyền. 30 năm sau, trên 300.000 liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. Con số này ở phía Mỹ là gần 1.500 trường hợp.

Giờ đây, trên mảnh đất hiền hòa này, tại các bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Việt Nam, các khí cụ chiến tranh được sản xuất từ bên kia bờ Thái Bình Dương là những vật chứng lạc lõng giữa không gian thanh bình mà chúng ngự trị như những dấu chấm hỏi về sự phi lý của một cuộc chiến tàn khốc.

Ngày hôm nay, đất nước ta chuyển mình lớn lên, để cho những người ngã xuống thấy được hòa bình mà họ dành được tốt đẹp thế nào. Trải qua 50 năm, bao thế hệ sinh ra, lớn lên trong hòa bình, được học hành tử tế, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc. Lễ duyệt binh, chuỗi sự kiện xoay quanh lễ kỷ niệm Đại thắng mùa xuân 30/4/1975 của đất nước vừa là niềm tự hào, vừa là vinh danh những người lính Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bao lớp cha ông đã không quản ngại gian khổ hy sinh, cả nước dồn sức người sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc với những chiến thắng vang dội ghi trong sử sách khiến kẻ thù kinh hồn, bạt vía. Chúng ta luôn tự hào về một dân tộc Việt Nam anh hùng, giàu lòng yêu nước, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược hùng mạnh hơn gấp nhiều lần.

Để đổi lấy hòa bình không hề đơn giản. Mỗi câu chuyện chúng ta kể là một câu chuyện về hòa bình và chiến thắng. Và lịch sử được viết nên bởi chính nó chứ không phải những người chiến thắng!

BBT

Đánh giá bài viết