Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và mức độ phổ biến mạng internet cao như nước ta hiện nay thì việc xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng mạng xã hội là điều không có gì lạ. Theo thống kê tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội trong đó phần lớn là độ tuổi vị thành niên và người lao động, tương đương với 73,3% tổng dân số[1]. Có thể nói mức độ phổ cập của mạng xã hội là rất rộng rãi không phân biệt vùng miền, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo…
Mạng xã hội với nhiều tính năng nổi trội như: tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, cùng với đó mạng xã hội cung cấp các tiện ích về tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin cũng như trò chuyện trực tuyến, chia sẻ hình ảnh… có thể nói đây cũng là một kênh cung cấp, chia sẻ thông tin cực kỳ quan trọng của xã hội hiện đại.
Bên cạnh nhiều tiện ích đem lại, thì mạng xã hội cũng gây ra những tác động tiêu cực đến các lĩnh vực và đời sống sinh hoạt của con người, đặc biệt đối với giới trẻ là độ tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất hiện nay. Đáng lo ngại hơn, thời gian gần đây một bộ phận giới trẻ có lối sống, suy nghĩ lệch lạc, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội khi sử dụng không gian mạng là nơi để thể hiện bản thân, đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin thất thiệt, bịa đặt nhằm mục đích thu hút, tạo sự chú ý với người khác để thu hút dư luận nhằm câu “view”, câu “like”…Cùng với đó các cá nhân, tổ chức phản động, tổ chức khủng bố… cũng thường xuyên đăng tải, thông tin, hình ảnh xuyên tạc, bịa đặt, không đúng sự thật về các vấn đề chính trị, xã hội… từ đó làm cho tình trạng thông tin giả trên không gian mạng trở nên phức tạp hơn, tạo ra sự hoang mang, tâm lý tiêu cực trong đời sống xã hội.
Để chung tay đẩy lùi được tình trạng tin giả hiện nay cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các nền tảng mạng xã hội và mỗi cá nhân trong xã hội:
Các nền tảng mạng xã hội cần tăng cường các biện pháp kiểm soát như sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và loại bỏ tin giả, cung cấp công cụ để người dùng báo cáo thông tin sai lệch, và minh bạch trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.
Các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp để chủ động phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi đăng tải, tán phát thông tin, hình ảnh không đúng sự thật.
Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống, đẩy lùi tin giả. Cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý tin giả; quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu và cơ quan chức năng trong công tác quản lý, đấu tranh với tin giả.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin cho người dân là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là giới trẻ và trẻ vị thành niên. Các chương trình giáo dục về kỹ năng sống nên được đưa vào giảng dạy từ sớm, giúp mọi người biết cách kiểm tra nguồn tin, nhận diện tin giả và chia sẻ thông tin có trách nhiệm. Mỗi cá nhân cần phải có ý thức tự bảo vệ mình trước tin giả, không chia sẻ thông tin khi chưa được kiểm chứng và cần tìm đến các nguồn tin đáng tin cậy.
Tin giả là một vấn đề nghiêm trọng và phức tạp trong không gian mạng hiện nay, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các nền tảng mạng xã hội, và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, chúng ta mới có thể hạn chế được tác hại của tin giả, bảo vệ sự thật và duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn. Trong thời đại thông tin hiện nay, việc nhận diện và xử lý tin giả không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
[1] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tac-dong-cua-truyen-thong-so-va-mang-xa-hoi-doi-voi-xa-hoi-viet-nam-666204.html
CAHYC