Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh; diện tích tự nhiên là 14.174 Km2 ; có hơn 274 Km đường biên giới tiếp giáp với 02 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng – nước CHDCND Lào, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 204 xã, phường, thị trấn (Trong đó có 04 huyện nghèo, 32 xã vùng cao, 17 xã biên giới, 125 xã khu vực III, 1.449 bản đặc biệt khó khăn); tổng dân số hơn 1,3 triệu người; gồm 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 83%.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Sơn La tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, bảo đảm An ninh – Quốc phòng trong vùng DTTS, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội và đạt được nhiều kết quả, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; việc phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng nên tình hình kinh tế – xã hội ở địa bàn tỉnh, nhất là tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; trình độ dân trí thấp, một số hủ tục của đồng bào DTTS chậm được xóa bỏ, mức sống của nhân dân khu vực biên giới còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới vẫn còn cao; trên địa bàn tỉnh Sơn La, có số lượng lớn người DTTS theo các tôn giáo (5.667 hộ/31.125 khẩu người DTTS theo các hệ phái tôn giáo), trải khắp địa bàn 12 huyện, thành phố, tiềm ẩn những vấn đề phức tạp như: Một số trường hợp trong các tôn giáo được các trung tâm tôn giáo đưa đi đào tạo, bồi dưỡng kinh thánh không thông qua chính quyền cơ sở, gây khó khăn trong công tác quản lý; một số đối tượng đã núp dưới chiêu bài làm từ thiện để tuyển lựa người DTTS đến các trung tâm tôn giáo đào tạo; tình hình tuyên truyền, phát triển một số hệ phái Tin lành có chiều hướng gia tăng…
Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Việt Nam là âm mưu, thủ đoạn cố hữu, thuộc về bản chất của các thế lực thù địch. Hiện nay, vấn đề dân tộc, tôn giáo đang được các thế lực thù địch, phản động coi là “trọng điểm ưu tiên”, là “huyệt” nhạy cảm nhất, để chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là cấp cơ sở.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng những tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; sự chênh lệch về kinh tế giữa các vùng miền, giữa các dân tộc với nhau, sự khác biệt về văn hóa, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với tín ngưỡng, phong tục tập quán để thực hiện âm mưu kích động chống phá, gây mâu thuẫn, từng bước phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, chúng tìm cách khoét sâu vào những vấn đề do lịch sử để lại, các vấn đề bức xúc nảy sinh để gây hiềm khích, nghi kỵ, thù hận, chia rẽ; tuyên truyền tư tưởng hẹp hòi, cực đoan để kích động, tạo nên mâu thuẫn giữa các dân tộc, chia rẽ quan hệ lương – giáo và giữa các tôn giáo với nhau hòng phá hoại, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Các thế lực thù địch xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, gắn với vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, với “tự do tôn giáo” để chống phá ta bằng nhiều hình thức, biện pháp, lợi dụng phương tiện thông tin, truyền thông, báo trí, đặc biệt là các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Messenger, Youtube, Fanpage, Zoom) đã trở thành môi trường lý tưởng cho các thế lực thù địch nói chung, các cá nhân, tổ chức phản động người DTTS lưu vong ở nước ngoài lợi dụng để đăng tải, chia sẻ, tán phát video, clip, bài viết tuyên truyền, chống phá Việt Nam, trong đó có tỉnh Sơn La, kích động, lôi kéo người DTTS tham gia vào hoạt động chống phá, tiềm ẩn nguy cơ và yếu tố tác động tiêu cực đến ANQG Việt Nam.
Chúng tuyên truyền người Thái cần có “xứ Thái tự trị”, liên kết người Thái trong nước với nước ngoài, lập tổ chức “Xíp hốc châu Tay” để “bảo vệ quyền lợi người Thái”, lập tổ chức “Liên hiệp những người Dao” các hoạt động này chưa gây ra các vụ gây rối nhưng đang tiềm ẩn yếu tố phức tạp về ANTT; tuyên truyền người Mông có nhà nước riêng, có vua riêng để lôi kéo một số đồng bào tụ tập đón vua. Đáng chú ý, hiện nay các thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng việc tuyên truyền, phát triển đạo Tin lành vào vùng dân tộc Mông tiến tới thực hiện ý đồ tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”; thông qua mối quan hệ đồng tộc, cùng tôn giáo và lợi dụng không gian mạng để móc nối, tuyên truyền tôn giáo trong đồng bào dân tộc Mông; thu thập thông tin, tình hình liên quan đến tôn giáo để bóp méo, xuyên tạc và đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng, để hạ thấp uy tín của Việt Nam với quốc tế.
Trước sự gia tăng hoạt động tuyên truyền, lôi kéo của các thế lực thù địch, đối tượng phản động và sự tác động về mặt tiêu cực của mạng xã hội, trong các năm 2003, 2011, 2015, 2017 và 2019, một bộ phận nhỏ người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La, do thiếu hiểu biết nên bị tác động, ảnh hưởng, bị lôi kéo nghe và tin theo các luận điệu tuyên truyền về “Nhà nước Mông” của kẻ xấu (chủ yếu là người ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới) nên trốn sang Lào để tham gia hoạt động phỉ gây rối trật tự tại nước Lào và bị truy bắt một số người phải lẩn trốn đến nay không rõ còn sống hay đã chết; một số thì bị bắt, xử lý theo quy định của pháp luật; một số nghe theo lời kêu gọi của chính quyền đã quay trở về đoàn tụ với gia đình, đến nay một số người chưa chấp hành xong án phạt tù.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 6.577 hộ/ 35.952 khẩu theo các loại tôn giáo (riêng người dân tộc Mông có 5.667 hộ/31.125 khẩu theo các hệ phái tôn giáo). Thực hiện âm mưu Tin lành hóa đồng bào dân tộc Mông, trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội đã tuyên truyền, lôi kéo chức sắc, tín đồ dân tộc Mông, nhất là số theo đạo Tin lành trên địa bàn tham gia các lớp tập huấn tôn giáo, đào tạo tôn giáo hoặc tham gia các sự kiện tôn giáo nhằm phát triển tôn giáo trong vùng dân tộc Mông (từ năm 2017 đến nay phát hiện trên 80 lượt đối tượng xuất cảnh sang Lào, Thái Lan). Trong quá trình tập huấn ở nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động đã tác động, lôi kéo, móc nối số chức sắc, tín đồ để chống phá chính quyền (ở địa bàn huyện Bắc Yên có đối tượng xuất cảnh sang Philippines tham gia chương trình đào tạo về tôn giáo, sau đó đã trốn sang tị nạn ở Thái Lan; trong thời gian vừa qua, đối tượng đã thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xấu, thông tin không đúng sự thật, nhạy cảm nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, dẫn dắt, kích động tín đồ, đồng bào dân tộc Mông có hoạt động chống đối, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn huyện Bắc Yên)…
Đứng trước những thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và toàn dân cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
* Trách nhiệm của học sinh, sinh viên
– Chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để trau dồi thêm tinh thần cách mạng, tư tưởng chính trị vững vàng; quan tâm, nắm rõ tình hình thời sự đang diễn ra trong nước và thế giới ở mọi mặt đời sống, xã hội, để có cái nhìn đa chiều về các sự việc, không để các luận điệu tuyên truyền xấu độc che mờ lý tưởng. Từ đó có nhận định sắc bén chống lại các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt với sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học có kiến thức chuyên môn tốt nhưng chưa có nhiều trải nghiệm, là đối tượng dễ bị các thế lực thù địch, phản động kích động. Do đó, học sinh, sinh viên cần nâng cao cảnh giác, tích cực đấu tranh với mọi hành động sai trái, luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm bình yên cho Tổ quốc.
– Sống chan hòa, hòa đồng với mọi dân tộc, tôn giáo, không phân biệt vùng miền, tôn giáo với các bạn cùng trang lứa và mọi người xung quanh, giữ mối đại đoàn kết dân tộc.
* Trách nhiệm của cá nhân
– Mỗi cá nhân cần nhận thức rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ riêng của mình mà còn của tất cả mọi người trong xã hội. Sự tôn trọng này bao gồm việc không áp đặt quan điểm, niềm tin của mình cho người khác, không phân biệt đối sử hay kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
– Mỗi cá nhân phải hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Không lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để cổ vũ cho các hành vi vi phạm pháp luật. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ pháp luật, không được lợi dụng để gây rối hoặc làm mất an ninh, trật tự công cộng.
– Mỗi cá nhân cần phải nâng cao nhận thức về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là điều cần thiết, để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình sẽ giúp cá nhân có thái độ đúng đắn trong thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo. Tham gia các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng là một cách để mỗi người hiểu sâu sắc hơn về quyền và trách nhiệm của mình, từ đó tránh được các hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao cảnh giác, tích cực đấu tranh với mọi hành động sai trái, luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm bình yên cho Tổ quốc.
* Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và cơ quan, tổ chức
Chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm giúp đồng bào các DTTS ở tỉnh Sơn La nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, chia rẽ đồng bào các dân tộc và các tôn giáo. Luôn đổi mới nội dung cũng như phương thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với nhu cầu đời sống, sản xuất, phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào, bên cạnh đó nội dung tuyên truyền cần đi thẳng vào vấn đề cụ thể đã và đang xảy ra ở địa phương, dựa trên người thực, việc thực, phải được chuyền tải bằng ngôn ngữ của đồng bào DTTS; thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội để có những giải pháp phát huy mặt tích cực, tạo niềm tin vững chắc cho đồng bào theo đạo yên tâm làm tròn bổn phận “sống tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; cộng đồng các dân tộc Sơn La chung sức, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa phương và tạo ra sự thống nhất cao trong đấu tranh với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
CAT