Trải qua hơn 93 năm ra đời, phát triển và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, vẻ vang, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được khẳng định, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng ta ngày càng được tăng cường, củng cố. Tuy nhiên, trong những năm qua, lợi dụng sự phát triển công nghệ thông tin và mạng internet, nhất là các nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị không ngừng tuyên truyền các thông tin sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt nguy hiểm hơn, một trong những mục tiêu, hướng tấn trực diện của chúng là nhằm vào công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân với các nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước ta.
Việc các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tuyên truyền phát tán những thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá gây tác động xấu đến uy tín lãnh đạo Đảng và Nhà nước không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, chúng thường lợi dụng các dịp Đại hội Đảng, bầu Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để đẩy mạnh việc tấn công, phát tán thông tin, tài liệu xuyên tạc, thêu dệt ra nhiều câu chuyện chuyện trắng trợn không có thật về các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết nội bộ. Qua đó, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước nói riêng. Các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực phản động thường biểu hiện ở các khía cạnh như: Xuyên tạc đời tư cá nhân; xuyên tạc mối quan hệ giữa các lãnh đạo; xuyên tạc, phủ nhận công lao của các đồng chí lãnh đạo; bóp méo sự thật lịch sử; bôi nhọ nhân phẩm các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước… thực chất luận điệu trên chỉ là chiêu trò để “mượn gió bẻ măng” nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại đoàn kết nội bộ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dù các thế lực thù địch có tinh vi, thủ đoạn đến đâu thì bản chất vẫn không thay đổi, cũng chỉ là “bình mới”, “rượu cũ”. Các luận điệu trên trước mắt hướng tới hạ thấp thanh danh, uy tín lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Sâu xa hơn, nham hiểm hơn chúng làm sói mòn niềm tin của nhân dân đối với cá nhân các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước dẫn đến nghi ngờ, dao động rồi mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, tiến đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, một số đối tượng còn “tung đơn thư nặc danh, mạo danh” và đưa lên các trang mạng xã hội, lan truyền những thông tin sai trái, bóp méo sự thật, kích động chia rẽ nội bộ. Một thủ đoạn hết sức thâm độc mà các thế lực thù địch thường áp dụng là: Tạo các trang mạng nhân danh các tổ chức với tên gọi “chính nghĩa” như: “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”,… để bịa đặt về xuất thân, gia đình và bản thân cán bộ lãnh đạo. Khi mà những thông tin này xuất hiện, “phủ sóng” rộng rãi với nhiều hình thức khác nhau lấn át các thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước nó đánh trúng vào tâm lý, thu hút những người tò mò, thiếu hiểu biết, thiếu nhạy cảm chính trị theo dõi, chia sẻ sẽ gây ra hậu quả vô cùng nguy hại tới thanh danh, uy tín của cán bộ lãnh đạo nói riêng và uy tín cua Đảng ta nói chung.
Trước các dịp Đại hội Đảng, bầu Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các thế lực phản động, đối tượng cơ hội chính trị càng tăng cường hoạt động tán phát các thông tin sai trái, thù địch khi chúng còn đưa ra các kết luận vô căn cứ rằng: Nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước và Đại biểu Quốc hội tất cả đều là những lựa chọn, quyết định từ trước, bầu cử chỉ là hình thức, là trò “mị dân”, hay “bản chất của việc bầu cử của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là chiêu trò bịp bợm…”
Chúng ta cần khẳng định rằng: Với tư cách một thiết chế đảm bảo dân chủ, bầu cử có những nguyên tắc chung nhất mà bất cứ hoạt động bầu cử ở đâu cũng phải tuân theo. Theo đó, tại Điều 7 Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 1 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Việc bầu cử được tiến hành theo 04 nguyên tắc (Nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín). Các nguyên tắc này đảm bảo hoạt động bầu cử được diễn ra an toàn, công bằng, bình đẳng và minh bạch. Do đó, Đảng ta thực hiện công tác nhân sự theo một quy định, quy trình chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan, khoa học. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, nhân sự Đại hội XIII và Quốc hội khóa XV được chuẩn bị công phu, cẩn thận dựa trên các nguyên tắc xây dựng Đảng vốn là sức mạnh, tiến bộ và đồng thuận của nhân dân. Không những thế, những cán bộ được giới thiệu và bầu vào các vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước đều được đào tạo bài bản, trải qua các vị trí công tác thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực quản lý lãnh đạo và được quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm. Cùng với đó, quy trình giới thiệu nhân sự được tổ chức hết sức chặt chẽ, công phu, đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; giới thiệu, bình xét nhiều lần trước khi ra ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Thiết nghĩ, “Nhân vô thập toàn” nghĩa là chẳng ai mười phần toàn vẹn cả mười. Cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước nói chung, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nói riêng không thể nào không mắc vào những sai lầm, khuyết điểm. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải hạn chế tối đa những sai lầm, khuyết điểm, nếu để xảy ra phải được phát hiện, sữa chữa và khắc phục kịp thời. Đồng thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nó. Đảng ta có điều lệ, quy định của Đảng, Nhà nước có hệ thống pháp luật và có nhiều cơ chế, cách thức để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở, cảnh cáo, ngăn ngừa sai phạm và xử lý các vi phạm khi phát sinh.
Trong thực tiễn, đã có hàng nghìn cán bộ, Đảng viên bị xử lý kỷ luật, rơi vào vòng lao lý. Trong đó, có cả các cán bộ cấp cao. Nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”; không thể đánh đồng những cá nhân, hiện tượng đó với bản chất của Đảng, của chế độ. Mỗi cán bộ, Đảng viên ai cũng đều trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện cá nhân để đạt được những tiêu chí, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ nhất định. Sự tận tụy, trong sạch, tinh thần làm việc hết mình vì lợi ích của đất nước và nhân dân, được nhân dân ghi nhận là lời khẳng định và minh chứng đanh thép nhất đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bởi, Đảng ta luôn thường xuyên quan tâm đến vấn đề kiểm soát quyền lực, không để xảy ra tình trạng tha hóa, lộng quyền nhất là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật”. Cái “lồng cơ chế” đó chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đảng ta thực hiện nghiêm minh, khách quan, đảm bảo chế tài khi xử lý cán bộ. Tuyệt nhiên, không có lãnh đạo hay cá nhân đứng trên pháp luật, sống trên pháp luật.
Mặt khác, để tạo hành lang pháp lý Nhà nước ta ban hành hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền con người. Trong đó, Hiến pháp – đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất đã quy định rõ bảo vệ quyền con người, bảo vệ danh dự, uy tín, bí mật cá nhân, gia đình, nghiêm cấm các hành vi bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ, xâm phạm các quyền con người. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Đồng thời, pháp luật Hình sự cũng quy định rõ những chế tài để xử lý cụ thể đối với các hành vi: Vu khống, bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác… Đây chính là nền tảng pháp lý để chúng ta có các biện pháp làm rõ thông tin, định hướng kịp thời dư luận, phát hiện, đấu tranh, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi hạ thấp uy tín, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm đối với các lãnh đạo cấp cao và các đối tượng cơ hội chính trị phản động đưa ra các luận điệu sai trái, thù địch về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta./.
CAVH