image_pdfimage_print

Sự thịnh vượng của một quốc gia không những dựa trên việc quản lý tốt về mặt tài chính – kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng mà còn dựa trên việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, các thành tựu trong công tác an sinh xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, các tổ chức phản động tiếp tục lợi dụng mạng xã hội tung ra luận điệu tuyên truyền xuyên tạc với nội dung: “Đảng và Nhà nước đang dùng tiền xây dựng tượng đài, quảng trường, không quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và đưa ra những dẫn chứng thuyết phục về sự không chính xác của luận điệu trên.

Đầu tiên, cần nhận thức được việc xây dựng văn hoá là một phần quan trọng của việc phát triển đất nước, được thể hiện trong quan điểm của Hồ Chí Minh, văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Việc đầu tư xây dựng các công trình văn hoá có vai trò hết sức quan trọng, là nơi để tổ chức hoạt động và sinh hoạt văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng những công trình văn hoá nói chung, tượng đài và quảng trường nói riêng là nhằm bày tỏ sự biết ơn và tri ân các vị anh hùng liệt sĩ, các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, là nơi tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Hãy nhìn vào các số liệu thực tiễn để minh chứng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước: theo số liệu từ Bộ Tài chính, mỗi năm, ngân sách Nhà nước đã dành một khoản nguồn lực đáng kể để đầu tư cho sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cụ thể, Quốc hội đã phê duyệt kinh phí thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 là 408.664 tỷ đồng (kế hoạch năm 2023 là 24.216,812 tỷ đồng), trong đó riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 có kinh phí tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh, đây là giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện và thể hiện sự quan tâm đặt biệt của Đảng, Nhà nước với cùng DTTS và miền núi. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã áp dụng nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ DTTS, như chính sách miễn học phí cho học sinh DTTS, chương trình hỗ trợ nông nghiệp, phát triển kinh tế cộng đồng DTTS, và nhiều chương trình xã hội khác. Những chính sách này đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nghèo, và tăng cơ hội phát triển cho DTTS.

Riêng trên địa bàn tỉnh Sơn La, quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, hiệu quả. Chương trình được chỉ đạo thực hiện thông qua những chương trình, đề án cụ thể và giao trách nhiệm đối với từng địa phương, đơn vị, qua đó đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền; tạo điều kiện cho đơn vị, địa phương thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được người dân đồng thuận và ủng hộ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chính sách được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đạt kết quả cao như: Thu nhập bình quân của người dân đồng bào DTTS&MN đạt 21,68 triệu/người/năm; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 97,55%; Tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 74%; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 74,9%; Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,88%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 99,5%; Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 96,70%; Tỷ lệ thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 93,5%….

Chúng ta cũng không thể bỏ qua việc Đảng và Nhà nước đã thành lập các tổ chức và cơ quan chuyên trách bao gồm Uỷ ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh, có trách nhiệm theo dõi và thúc đẩy việc thực thi quyền và phát triển của DTTS. Các tổ chức này có một vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm quyền và sự phát triển bền vững đối với DTTS. Ngoài ra, chính quyền các cấp đã đề ra các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng,, lợi thế vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vượt khó vương lên của đồng bào DTTS, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn không ngừng được nâng lên.

Thông qua những chính sách, chương trình, những nguồn lực xã hội to lớn, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm và chăm lo đến đồng bào DTTS. Việc tuyên bố rằng Đảng và Nhà nước chỉ quan tâm đến xây dựng tượng đài và quảng trường là thiếu khách quan và không công bằng. Điều này loại trừ hoàn toàn sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của hàng triệu cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhằm nâng cao đời sống của DTTS, thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Bằng thực tế khách quan, những thông tin, số liệu xác thực, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi ngược với tình hình thực tế và ý chí của nhân dân Việt Nam.

Có thể thấy, chăm lo đời sống cho nhân dân nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng đã được xác định là sứ mệnh của Đảng, là mục tiêu và bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng, Nhà nước vận dụng hiệu quả trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

CAT