image_pdfimage_print

Huyện Quỳnh Nhai cách trung tâm tỉnh Sơn La 62 km về phía Tây Bắc, có tổng diện tích tự nhiên toàn huyện trên 105.000 ha; giáp tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Huyện có 07 dân tộc, với tổng số 14.778 hộ, 67.734 nhân khẩu; có 11 đơn vị hành chính cấp xã, 109 bản, xóm, trong đó có 04 xã đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Huyện Quỳnh Nhai có Quốc lộ 6B và 279 chạy qua và có dòng Sông Đà chảy qua, thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế, xã hội, thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tội phạm, tệ nạn xã hội thâm nhập hoạt động, tác động ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện.

Công an xã Mường Giôn cùng các ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, động viên, giúp đỡ người lầm lỗi trên địa bàn

Tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ANTT trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Hầu hết đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về hình sự, ma tuý là những đối tượng có quá khứ hoặc hiện tại đang có biểu hiện vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của địa phương, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở; công tác quản lý các đối tượng này còn chưa chặt chẽ, chưa huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc; chưa có sự gắn kết giữa các hình thức, biện pháp, biểu mẫu quản lý các diện đối tượng khác nhau, thậm chí một đối tượng phải sử dụng nhiều biểu mẫu khác nhau, đánh giá, nhận xét về các nội dung khác nhau, do vậy khó khăn cho cơ sở và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đối tượng.

Xuất phát từ đặc điểm, tình hình kinh tế, xã hội và ANTT trên địa bàn huyện cần có mô hình huy động toàn dân trong việc quản lý, giáo dục, cảm hoá các đối tượng, Công an huyện báo cáo và được Thường trực huyện ủy, UBND huyện nhất trí chủ trương xây dựng mô hình “Toàn dân quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi” trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, lựa chọn xã Mường Giôn tổ chức triển khai thực hiện điểm với lộ trình, bước đi cụ thể gồm: Công an xã tổ chức rà soát, xác định, lập danh sách toàn bộ người lầm lỗi đang cư trú, sinh sống trên địa bàn, thông báo cho Công an viên bản nắm; Công an viên bản báo cáo Ban quản lý bản duyệt danh sách người lầm lỗi cư trú trên địa bàn bản; lập danh sách dự kiến phân công 2 đảng viên, quần chúng tốt quản lý, giáo dục, cảm hoá 1 người lầm lỗi, báo cáo Chi bộ bản họp, thống nhất quyết nghị giao nhiệm vụ cho đảng viên, quần chúng thực hiện; Định kỳ mỗi tháng một lần, Công an viên bản trao đổi, thảo luận với 2 người được phân công quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi để thống nhất lập biểu nhận xét, đánh giá về biểu hiện tiến bộ hoặc vi phạm của người lầm lỗi trong tháng, phục vụ công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh.

Anh Bạc Cầm Dũng đã có công việc ổn định tại xưởng nhôm sắt và thường xuyên được lực lượng Công an xã đến thăm hỏi, động viên

Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, công tác tuyên truyền, vận động là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của những người lầm lỡ. Chính quyền xã, bản và các ngành, đoàn thể đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng trọng diện quản lý, giúp đỡ và nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Trong đó chú trọng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy, về phòng, chống mua bán người, Luật hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ và các quy  định của pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác… Lực lượng công an xã, công an viên và Ban Quản lý bản còn đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát giác tội phạm và những người nghi nghiện ma tuý; tập trung làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục kết hợp với các biện pháp kiểm tra, sàng lọc để người đã mắc nghiện ma tuý tự nhận và xin được điều trị methadone, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tạo động lực cho những người đã từng nghiện ma túy từ bỏ dứt điểm, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Sau 03 tháng triển khai thí điểm tại xã Mường Giôn, Công an huyện tổ chức sơ kết, đánh giá và tham mưu với huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo nhân rộng thực hiện cuộc vận động trên địa bàn 11/11 xã. Công an các xã đã tổ chức rà soát, xác định trên địa bàn toàn huyện trong thời gian từ tháng 7/2021 đến nay có 862 người lầm lỗi.  Cấp uỷ chi bộ, Ban quản lý các bản cũng đã huy động 1724 lượt đảng viên, quần chúng tốt tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi trên địa bàn.

Đến nay đã đưa ra khỏi diện quản lý 435 người (255 trường hợp được công nhận tiến bộ; 155 trường hợp chết, chuyển, vắng mặt lâu ngày tại địa bàn; 25 trường hợp bị bắt giam, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng). Hiện đang tiếp tục quản lý, giáo dục, cảm hoá 427 trường hợp.

Một số trường hợp tiêu biểu nhờ có sự giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục của mô hình này đã từ bỏ con đường lầm lỗi, nỗ lực vươn lên thoát nghèo phải kể đến, đó là: Anh Phạm Bá Dân, ở Xóm 2, xã Mường Giàng. Anh đã cai nghiện thành công và mở xưởng mộc từ tiền tiết kiệm trong quá trình làm thuê. Hiện tại xưởng mộc của anh đã được mở rộng hơn, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 250 triệu đồng. Đó là anh Bạc Cầm Dũng, bản Bo Xanh, xã Mường Giôn vi phạm quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng (Năm 2019, anh say rượu, điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi gây tai nạn làm 3 nạn nhân bị thương với tổng phần trăm thương tật là 71%), bị xử án treo 36 tháng và thử thách 24 tháng. Nay anh được giúp đỡ đã có việc làm ổn định tại một xưởng nhôm sắt nhỏ ở xã, thu nhập mỗi năm trên 70 triệu đồng. Và còn nhiều trường hợp khác nữa, được sự cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ của mô hình Toàn dân quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi” đã dần dần nâng cao được nhận thức, sống có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội, từng bước từ bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Công an xã Mường Giàng thăm hỏi, động viên anh Phạm Bá Dân tại xưởng gỗ của gia đình

Anh Phạm Bá Dân, Xóm 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La chia sẻ: Tôi không bao giờ nghĩ cuộc sống của mình lại có thể tốt đẹp như ngày hôm nay. Trải qua các giai đoạn khó khăn, tôi cảm ơn cấp ủy, chính quyền và các anh Công an đã thường xuyên động viện, giúp đỡ để tôi vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Điều đáng nói là từ khi triển khai thực hiện mô hình “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi” trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, nhận thức, trách nhiệm của các ngành, tổ chức quần chúng và  Nhân dân đối với người lầm lỗi được nâng lên; các đối tượng vi phạm pháp luật được quản lý chặt chẽ và giáo dục thường xuyên; số vụ phạm pháp hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội và các vi phạm xã hội khác giảm rõ rệt. Trong 06 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xảy ra 06 vụ phạm tội về TTXH (giảm 04 vụ so với cùng kỳ năm 2021; giảm 07 vụ so với cùng kỳ năm 2019); Công an huyện bắt, xử lý 24 vụ, 34 đối tượng phạm tội và VPPL về ma tuý (tăng 04 vụ so với cùng kỳ năm 2021; bằng số vụ so với cùng kỳ năm 2019).

Trong quá trình quản lý, giáo dục, cảm hoá, quần chúng nhân dân đã cung cấp 50 tin liên quan đến hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc diện quản lý; hoà giải 128 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân có liên quan đến người lầm lỗi, góp phần tích cực và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm các vụ tội phạm, vi phạm pháp luật phát sinh tại địa bàn cơ sở.

Ông Lò Thanh Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: Dù còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập nhưng mô hình “Toàn dân quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi” trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, tổ chức chính trị – xã hội trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi; vai trò của gia đình được phát huy tốt hơn, tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng quản lý, giáo dục con em là những người lầm lỗi; bản thân những người lầm lỗi cũng có sự cởi mở hơn, không còn tự ti, mặc cảm, né tránh lực lượng chức năng; các đối tượng được giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đều chú thí lao động, qua kiểm tra chưa phát hiện người lầm lỗi tái vi phạm.

Mô hình “Toàn dân quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi” triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, tuy thời gian chưa dài, nhưng đã bước đầu chứng tỏ được hiệu quả trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, công tác quản lý, giáo dục, cảm hoá đối tượng nói riêng, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và thu hút được nhiều người tham gia, được cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần tích cực vào việc kiềm chế, làm giảm hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn toàn huyện.

Minh Phong – Đinh Tùng