1

Xử lý thanh niên bốc đầu xe máy khi tham gia giao thông

Ngày 14/11, khoe chiến tích bốc đầu xe máy khi tham gia giao thông trên mạng, nam thanh niên trú tại bản Láy, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ (Sơn La) bị lực lượng chức năng Công an huyện Vân Hồ xử lý.

Công an huyện Vân Hồ xử lý hành vi vi phạm trật tự ATGT

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền video clip ghi lại hình ảnh nam thanh niên có hành vi không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe điều khiển xe một bánh đối với xe mô tô hai bánh khi tham gia giao thông tại huyện Vân Hồ. Tiến hành điều tra, Công an huyện Vân Hồ xác định nam thanh niên thực hiện các hành vi trên là Phàng A Chia (SN 2006), trú tại bản Láy, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ), người ngồi phía sau là Mùa A Say (SN 2007), trú cùng bản. Hiện, Công an huyện Vân Hồ đã lập hồ sơ xử lý Phàng A Chia về các hành vi: Không đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy; Người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên; Điều khiển xe mô tô chạy một bánh đối với xe loại 2 bánh.

Minh Phượng – Tống Giang




Khởi tố nhóm “yêng hùng xa lộ nhí” tràn vào vùng cao

Ngày 10/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Cơ quan Công an triệu tập các đối tượng liên quan lên làm việc

Trước đó, từ cuối tháng 8 năm 2023, Công an huyện Phù Yên nhận thông tin phản ánh của người dân về việc một nhóm thanh niên điều khiển xe môtô đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, quay video, kích động, gây rối trật tự công cộng trên các tuyến đường thuộc địa bàn thị trấn Phù Yên và các xã lân cận vào khoảng thời gian từ 21 giờ 00 phút đến 23 giờ. Đặc biệt nhóm đối tượng này thường chọn đoạn đường có lực lượng CSGT – TT đang tuần tra, kiểm soát để khiêu khích, thách thức lực lượng chức năng truy đuổi, gây dư luận bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Nhóm quái xế bốc đầu thách thức cơ quan chức năng

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Phù Yên đã nhanh chóng điều tra xác minh làm rõ vụ việc, triệu tập các đối tượng có liên quan lên làm việc và ra quyết định khởi tố đối với 14 đối tượng có tuổi đời từ 16 đến 19 tuổi về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Yên đang tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra làm rõ.

Cao Thiên – Trung Hiếu




Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh

Ngày 02/11, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh; các đồng chí thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến địa phương đã xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân, qua đó, công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh có nhiều chuyển biến tích cực; chính quyền các địa phương, các lực lượng tham gia bảo đảm TTATGT và các nhà trường đã cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong công tác này.

Theo số liệu thống kê từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc). So với cùng kỳ năm 2022, tăng 08 vụ (+0,92%), giảm 33 người chết (-6,31%), giảm 34 người bị thương (-3,95%). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Thảo luận tại Hội nghị, các địa phương đã tập trung cho ý kiến về các giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông đặc biệt là đối với trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra TNGT…; huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng bảo đảm TTATGT. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên tuyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; tập trung trang bị cho học sinh các kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng khi đi trên phương tiện thủy và khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt, kỹ năng xử lý tình huống…

BT




Xử lý nam thanh niên bốc đầu xe máy rồi khoe chiến tích trên mạng

Ngày 02/11, Công an huyện Vân Hồ (Sơn La) vừa xử lý trường hợp điều khiển xe một bánh đối với xe mô tô 2 bánh (bốc đầu xe) rồi đăng tải trên mạng xã hội.

Công an huyện Vân Hồ xử lý Mùa A Lâm về hành vi bốc đầu xe máy

Trước đó trên mạng xã hội lan truyền video clip ghi lại hình ảnh nam thanh niên có hành vi không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe điều khiển xe một bánh đối với xe mô tô hai bánh khi tham gia giao thông trên địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Mùa A Lâm và xe mô tô vi phạm tại cơ quan Công an

Qua thu thập hình ảnh và xác minh vụ việc, xác định nam thanh niên thực hiện hành vi trên là Mùa A Lâm, SN 2006, trú tại bản Bó Nhàng, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Công an huyện Vân Hồ đã tiến hành triệu tập và lập hồ sơ xử lý Mùa A Lâm về hành vi: Không đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy; Người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên; Điều khiển xe mô tô chạy một bánh đối với xe loại 2 bánh.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ./.

Minh Phượng – Tống Giang




Bộ Công an tổ chức hội nghị giao ban công tác bảo đảm TTATGT

Chiều ngày 20/10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2023. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Công an tỉnh Sơn La, đồng chí Đại tá Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị.

Điểm cầu Công an tỉnh Sơn La

Hội nghị đã được nghe lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an báo cáo về kết quả công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua, trong đó tập trung vào các nội dung như: phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ và Công an tỉnh tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về an toàn giao thông, tập trung phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhất là đối với cán bộ, công chức nhà nước và CBCS lực lượng vũ trang.

Tại tỉnh Sơn La, lực lượng CSGT đã phát hiện lập biên bản hơn 19.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 40 tỷ đồng, tước hơn 4.500 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 9000 phương tiện các loại. Phối hợp với các đơn vị phát hiện bắt giữ 47 vụ, 54 đối tượng phạm tội về ma túy; tang vật thu giữ 25 bánh heroin, hơn 33.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng liên quan.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long ghi nhận và biểu dương những thành tích, chiến công mà lực lượng CSGT toàn quốc đã đạt được trong thời gian qua; đồng chí đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo Công an các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng CSGT và các lực lượng khác chủ động ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT, tập trung tuần tra, xử lý triệt để lỗi vi phạm về nồng độ cồn, quá tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định…

Trung Hiếu




Siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh về tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm (TTKS – XLVP) người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Tổ công tác liên ngành gồm Phòng CSGT, CSCĐ và Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị Công an tỉnh đã thành lập các chốt kiểm soát giao thông vào các khung giờ cao điểm, buổi tối… để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp  vi phạm trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tổ công tác Công an tỉnh tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La

Tổ công tác của Công an tỉnh sẽ tập trung kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn trên tất cả các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; vừa kết hợp kiểm tra lưu động và cố định; vào các khung giờ cao điểm và buổi tối… Với quan điểm xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, hầu hết các phương tiện khi tham gia giao thông qua chốt đều phải dừng lại để lực lượng chức năng kiểm tra.

Trong thời gian tới, tổ kiểm soát liên ngành Công an tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh trên tinh thần liên tục và khép kín, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông./.

Mạnh Tùng




Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an

Ngày 29/9, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về TTATGT và tổ chức ký cam kết nêu gương, gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.

Đại biểu dự hội nghị

Theo đó, tại hội nghị Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh đã quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị các nội dung về gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; nghiêm cấm việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia; không can thiệp vào việc xử lý của lực lượng Cảnh sát giao thông; thường xuyên vận động người thân chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông; kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn…

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La ký cam kết nêu gương, gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông

Đồng thời, tổ chức ký cam kết nêu gương, gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đối với 100% cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị.

Thế Anh




Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Điện chỉ đạo và các Thông tư mới của Bộ Công an trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy

Ngày 12/9, Công an tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Điện số 76, ngày 31/8/2023 và các Thông tư của Bộ Công an quy định về công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy. Đại tá Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến điểm cầu Công an 12 huyện, thành phố.

Đại biểu dự hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt, triển khai Điện số 76, ngày 31/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an về chấn chỉnh, siết chặt công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn toàn quốc và đối với lực lượng Cảnh sát giao thông; Các Thông tư 32, 33 quy định về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông thay thế cho Thông tư số 65, 66 của Bộ Công an; được quán triệt Thông tư 35, 36 quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát và quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy thay thế cho Thông tư số 67, 68 và một số điều Thông tư số 15, 16 của Bộ Công an.

Thông qua việc quán triệt, triển khai giúp cho cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát giao thông nắm vững và thực hiện đúng các quy định về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy. Đồng thời tích cực, chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông; tiếp tục nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn.

Minh Phượng




Quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy

Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 36/2023/TT-BCA ngày 02/8/2023 thay thế Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/9/2023.

Theo đó, Thông tư này quy định về xây dựng, triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát; tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy nội địa, vùng nước ngoài phạm vi luồng, vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải thuộc nội thủy, vùng nước cảng biển và luồng hàng hải nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động (sau đây viết gọn là đường thuỷ) và xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các trường hợp Cảnh sát đường thủy được dừng phương tiện để kiểm soát

Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện để kiểm soát trong 03 trường hợp sau: (1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận các dấu hiệu vi phạm pháp luật; (2) Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, phương án công tác của Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt; (3) Có văn bản đề nghị dừng phương tiện của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; (4) Tin báo, tố giác về vi phạm pháp luật liên quan đến người và phương tiện tham gia giao thông.

Khi dừng phương tiện để kiểm soát phải căn cứ vào mật độ phương tiện tham gia giao thông, tình hình, đặc điểm luồng, tuyến giao thông để bảo đảm an toàn và lưu thông bình thường của các phương tiện khác và thực hiện như sau: Ban ngày, hướng cờ hiệu “Cờ chữ K” về phía phương tiện cần kiểm soát, phất ba lần theo chiều thẳng đứng từ trên xuống, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài. Ban đêm, hướng đèn hiệu về phía phương tiện cần kiểm soát, phát một chớp sáng dài, một chớp sáng ngắn, một chớp sáng dài, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài.

Nội dung và phương pháp kiểm soát trên phương tiện

Kiểm soát giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người đi trên phương tiện; kiểm soát hàng hóa chở trên phương tiện, giấy tờ của hàng hóa và các loại giấy tờ khác có liên quan theo quy định (sau đây viết gọn là giấy tờ). Khi kiểm soát giấy tờ phải đối chiếu với thực tế và xác định tính hợp pháp của giấy tờ. Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện: Kiểm soát bằng quan sát, đối chiếu thực tế với giấy tờ của phương tiện hoặc bằng thiết bị kỹ thuật theo trình tự từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Khi cần thiết phải kiểm tra trên cơ sở dữ liệu hoặc đề nghị cơ quan chuyên môn giám định.

Kiểm soát an toàn vận tải: Độ chìm của phương tiện so với vạch dấu mớn nước an toàn; chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật, số người thực tế so với sức chở của phương tiện và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải. Kiểm soát những nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Khi kiểm soát phải có mặt đại diện chủ phương tiện hoặc thuyền viên, người điều khiển phương tiện. Trường hợp không có mặt của những người trên, việc kiểm soát phải có đại diện chính quyền cơ sở nơi kiểm soát hoặc ít nhất một người chứng kiến.

Trong trường hợp kiểm soát phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ, chất độc hại hoặc hàng hóa nguy hiểm khác thì phải có biện pháp an toàn đưa phương tiện ra xa khu dân cư hoặc nơi vắng người để tiến hành kiểm soát; trường hợp cần thiết phải đề nghị cơ quan chuyên môn tham gia vào hoạt động kiểm tra.

Kiểm soát giao thông đường thủy thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Cảnh sát đường thủy được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật trên đường thủy của người và phương tiện, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát đường thủy.

Khi kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường thủy, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau: Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.

Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định về trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm.

Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát

Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị xử phạt theo thủ tục không lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ; trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thực hiện ngay quyết định xử phạt thì có quyền tạm giữ giấy tờ có liên quan gồm: Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp phương tiện thế chấp, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hoặc các giấy tờ khác liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu người vi phạm không có giấy tờ nói trên thì có thể tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định; đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình theo quy định.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản thì cán bộ lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền quyết định xử phạt hoặc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để ghi hình làm cơ sở xử lý; không tẩy xóa, sửa chữa các nội dung đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.

Duy Thanh
Cổng TTĐT Bộ Công an



Quy định về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ

Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT). Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9/2023.

Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ.

Phân cấp tuyến địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Đối với tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông: Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc theo kế hoạch của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trở lên ban hành.

Đối với tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Phòng CSGT bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương. Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện.
 

Ảnh minh họa.

Nhiệm vụ và quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát

Nhiệm vụ của CSGT trong tuần tra, kiểm soát, gồm: (1)Tuân thủ các quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền ban hành; (2)Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công; (3)Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; (4)Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; (5)Trực tiếp, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ. Tham gia phòng, chống khủng bố, chống biểu tình gây rối; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định; (6)Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện các nhiệm vụ: Phát hiện những sở hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời; Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ; (7)Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát, cụ thể: (1)Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ; (2)Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; (3)Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản; (4)Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an; (5)Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (6)Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông

CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 04 trường hợp sau: (1)Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; (2)Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; (3)Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; (4)Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau: An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

Yêu cầu đối với cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, gồm: (1)Thực hiện đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; (2)Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân; (3)Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định; (4)Bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an.

Duy Thanh

Cổng TTĐT Bộ Công an